Công nghệ camera ẩn dưới màn hình đầu tiên của Samsung trên laptop: Viền cực mỏng, màn OLED rực rỡ
Samsung đã giới thiệu sản phẩm màn hình đầu tiên của mình có tích hợp camera ẩn bên dưới. Hơi ngạc nhiên là công nghệ này sẽ xuất hiện trên máy tính xách tay do công ty sản xuất, trước khi áp dụng trên những thiết bị điện thoại thông minh.
Công nghệ camera dưới màn hình được coi là giải pháp thay thế cho các vết khía và lỗ khoét trên màn hình điện thoại thông minh những năm gần đây.
Với việc các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) Trung Quốc là những công ty đầu tiên tiếp thị công nghệ này và đạt một số thành công nhất định dù chưa thực hoàn hảo, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào Samsung với kỳ vọng rất lớn rằng hãng sẽ giới thiệu tính năng camera ẩn dưới màn hình trên chiếc Galaxy Z Fold3 vào cuối năm nay.
Bất ngờ thay, Samsung lại hé lộ rằng những thiết bị đầu tiên có công nghệ camera dưới màn hình của công ty sẽ là máy tính xách tay, chứ không phải điện thoại smartphone.
Cụ thể, Samsung Display đã tung ra một đoạn giới thiệu cho cái mà họ gọi là Samsung Blade Bezel. Đúng như tên gọi, thiết bị này sở hữu phần viền siêu mỏng - một phần nhờ vào sự ra đời của UPC - viết tắt của Under Panel Camera - camera đặt dưới tấm nền.
So với những màn hình laptop thông thường có tỷ lệ màn so với thân máy là 85%, Samsung tự tin tuyên bố rằng tấm nền OLED mới của họ sẽ tăng tỷ lệ này lên 93%. Đây là một lợi ích đáng kể và chắc chắn sẽ giúp tạo ra trải nghiệm phong phú hơn cho người dùng.
Tấm nền mới của Samsung với độ dày chỉ 1 mm cũng mỏng hơn 50% so với các tấm nền thông thường. Ngoài ra, các tấm nền tiêu chuẩn thường nặng khoảng 180 gram thì sản phẩm mới của Samsung giúp giảm con số này xuống chỉ còn 130 gram. Đây rõ ràng là một tin tuyệt vời cho những người yêu thích máy tính xách tay mỏng nhẹ.
Mặc dù công nghệ màn hình này vẫn có sẵn cho các OEM khác sử dụng, nhưng việc nó xuất hiện trên máy tính xách tay đến từ Samsung trước tiên là điều hiển nhiên. Câu hỏi duy nhất cần trả lời ở đây là sản phẩm cụ thể nào.
Theo một số báo cáo, Samsung vốn đã tiến hành thử nghiệm UPC trên những dòng điện thoại của mình từ khá lâu, nhưng có vẻ như kết quả vẫn chưa được tối ưu. Vì thế, cũng hoàn toàn hợp lý khi họ quyết định kiểm tra nó trước trên các sản phẩm máy tính xách tay (vốn có kích thước tương đối lớn) để đánh giá tình hình, rồi mới tính tiếp việc đưa công nghệ này sang các thiết bị nhỏ gọn hơn.
Theo notebookcheck
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.